THÔNG TIN KHOÁ HỌC
Bộ 2 cuốn tản văn của Đỗ Xuân Thảo: Giữa Đôi Bờ Thương Nhớ – Hoa Vàng Dọc Bờ Suối
Giữa Đôi Bờ Thương Nhớ
“Sớm nay, ngắm đóa cúc vàng rung rinh theo nhịp xe của một em gái áo hồng lướt qua đầu ngõ, mình chợt nhận ra mùa thu đã về.
Và trong cái không khí bảng lảng ướp hương hoa cúc ấy, mình ngồi đọc những trang văn của “người cùng phòng” mà mình thường âu yếm gọi là: Bố Nam!
Thực ra, những trang tản văn này mình đã đọc nhiều lần rồi. Nhưng giờ đây, khi chúng được tập hợp lại, nằm âu yếm bên nhau trong tập sách Giữa đôi bờ thương nhớ mình bỗng có cảm giác say mê, háo hức… như mùa yêu đầu.
Những bài viết của bố Nam, với mình, thật nhẹ,thấm và ấm… như cách mà bố Nam nhìn cuộc đời. Bởi vậy nếu bạn đọc nhẩn nha, bạn có thể tìm thấy chút bình yên, êm ả tự trong lòng.
Bằng sự quan sát tinh tế, những thẩm thấu và lắng lòng chân thật, mỗi con người, mỗi sự vật hiện lên qua những trang viết của bố Nam đều chạm khẽ, dịu dàng và toả hương.
Với bố Nam, kỉ niệm đời người như lớp lớp phù sa bồi đắp kí ức. Những hoài niệm về ấu thơ, về mối tình đầu vụng dại, về những người quê, những bạn bè… cứ như muôn lớp trầm tích chan chứa yêu thương, ấm nóng, dạt dào.
Chênh chao “Giữa đôi bờ thương nhớ” là một “Dòng sông đầy nắng”. Bạn thử tưởng tượng bạn đang đứng bên một dòng sông, nắng từ trên cao rọi xuống mặt sông hiền hòa lấp lánh. Bạn nhìn xuống mặt sông và bạn sẽ thấy khuôn mặt mình đang mỉm cười. Mình cũng có cảm giác như vậy khi đọc những mẩu chuyện kể về “Ngày của mẹ dấu yêu”, “Em gái” hay “Vì có con bên đời”… Mỗi mẩu chuyện khi thì rưng rưng thương mến, lúc lại hóm hỉnh nụ cười duyên. Cũng có lúc cảm thấy “bực mình” khi đọc “Được lời như cởi tấm lòng”, “Van an toàn”… vì mình chính là nhân vật “bị” đem ra để tếu táo. Nhưng mình thấu hiểu, ẩn sâu sau những dòng tếu táo ấy là tràn ngập những thương yêu…
Và như chừng sợ mình mải chùng chình bên “Dòng sông đầy nắng” nên đã có “Bắc nhịp cầu thương yêu”. Mình thực sự, thực sự thích những câu chuyện ở mục này. Rất nhiều lần vừa đọc, mình vừa dừng lại lau nước mắt. Lòng cồn cào nhớ và nôn nao niềm thương mến. Bố Nam viết về người anh trai “Hiền như lúa và lành như đất”, về anh Phúc “Ngọt ngào những giêng hai”, về anh Tuấn Anh “Cõi cô đơn”, về anh Đức Bảo “Tri kỷ”, về chị Nga “Đồng điệu”…bằng cảm xúc chân thành từ trái tim yêu thương tha thiết. Cảm xúc ấy được chuyển tải thông qua ngôn từ giản dị mà rất đẹp, có không ít những câu văn theo mình, đẹp một cách mê mị. Vẻ đẹp ngôn từ trong “Bắc nhịp cầu thương nhớ” không chỉ khu trú trong phạm vi ngữ nghĩa của từ ngữ mà còn lấp lánh vẻ đẹp của một tâm hồn. Nên thú thực, đọc những câu văn đó, mình càng thấy đồng cảm, sẻ chia và trân quý bố Nam nhiều hơn.
Bố Nam viết văn như “lên đồng”. Đêm đêm lụi hụi lẩn mẩn, cần mẫn viết viết xóa xóa. Có lẽ vì thế nên mới có “Viết giữa những cơn mơ”. Trong “Viết giữa những cơn mơ”, thực thực ảo ảo đan quyện vào nhau. Không thấy một người nào cụ thể nhưng lại thấp thoáng hình bóng của những người ở quanh ta. Nên thương lắm một mớ tóc dài, nên ấp iu lắm một bờ vai, nên xót xa lắm những giọt nước mắt mẹ cha… Bố Nam là người “đa đoan”, luôn có cái nhìn thấu cảm với những phận người cần lao thương khó. Có lẽ vì thế, thăm thẳm giữa những cơn mơ là nỗi buồn nặng trĩu ân tình.
Mình đọc văn bố Nam với tâm thế của một học trò đọc văn thầy – vừa ngưỡng mộ lại vừa muốn lùi ra xa một chút để chiêm nghiệm. Mình cũng đọc những trang văn ấy với tâm thế của một người mẹ – yêu thương một ông bố đắm đuối vì con. Và cùng với đó là tâm thế của một người bạn – muốn đồng hành cùng tác giả trong suốt những hành trình dài thương mến.
Chính tâm thế đa chiều đó khiến cuốn sách luôn mang đến cho mình lớp lớp xúc cảm của niềm hạnh thiện. Đọc để thấy tim mình ấm nóng, thấy thương, thấy mến, thấy trân trọng muôn phần.
Đôi lần, thấy “ghen tị” với lối kể chuyện duyên dáng quá của bố Nam, cái lối kể rủ rỉ rù rì khiến nhiều bạn đọc nữ cứ nhắn tin chíu chít. Nhưng rồi lại mỉm cười. Lại thấy lấp lóa đóa hoa vàng của mùa thutràn nắng…
Nào, đưa tay đây em nắm. Đường còn xa tít chân trời. Một dòng sông thơ đầy nắng. Chờ người sao lắm thương yêu…
Cứ viết tiếp đi nhé, cho yêu thương là mênh mang miên man nhé, bố Nam à…”
(Phan Thị Hồ Điệp)
Hoa Vàng Dọc Bờ Suối
Tôi:
Là gã đàn ông tuổi ngoại ngũ tuần
Là giảng viên của một trường đại học
Là “sản phẩm” có nguồn gốc nông dân chính hiệu
Và tôi:
Không có bạc tỉ
Không có nhà to
Không có xe hơi…
Nhưng tôi lại có:
Nhiều bạn bè thương yêu quý mến
Một đại gia đình với anh chị em, cháu chắt nội ngoại sum vầy ấm áp
Một đứa con trai dễ thương, hiểu và thương bố
—- Đỗ Xuân Thảo —-
Đó là lời tâm sự của tác giả Đỗ Xuân Thảo. Đúng thật, anh vốn dĩ rất đơn giản. Khi đọc những cuốn sách của anh, cảm nhận anh giống như người họa sỹ tự tay vẽ nên những trải nghiệm của mình, những khoảnh khắc của mình, những dấu ấn của mình thành những “cây đời”. Cuốn tản văn “Hoa vàng dọc suối” là một trong những “cây đời” ấy.
Cuốn sách gồm 3 phần: Cội rễ xanh tươi, Thân cành thương mến, Hoa nở đúng mùa.
Phần “Cội rễ xanh tươi” viết về bố mẹ của tác giả. Tác giả chia sẻ: “Bố mẹ đã ủ men một thứ rượu tinh thần trong tôi với ước mong cùng với tháng năm chưng cất thành bình rượu quý. Dù chỉ là những người nông dân nghèo, ít học nhưng bố mẹ đã tạo nên tôi bằng lòng nhân hậu, bằng nụ cười, bằng sự hy sinh gắng gỏi lặng thầm trải dài theo thời gian, nắng mưa, gian khó. Và sau này khi tôi cưới vợ, phần “Cội rễ xanh tươi” của tôi có thêm cả bố mẹ vợ – những người mà tôi cũng nhất mực yêu thương, kính trọng.”
Và “cây đời” từ “Cội rễ xanh tươi”, từ “Thân cành thương mến” đã kịp trổ ra “Hoa nở đúng mùa”. Ấy là những trang tác giả viết về con trai, luôn dễ thương, hiểu và thương bố.
Nếu gốc tốt, cây tốt kèm điều kiện khí hậu thì hoa sẽ nở rất đẹp. Đây cũng là thông điệp về giáo dục mà tác giả muốn trao tặng cho bạn đọc. Nếu đủ yêu thương, nếu đủ chân thành với những người xung quanh, bạn đã tạo được những phép màu. Và dưới đây là những lời mà tác giả nhắn nhủ:
““Cây đời” của tôi chỉ giản dị, khiêm nhường thế thôi. Tôi trao nó vào tay bạn.
Tôi mong bạn sẽ đọc, sẽ “tưới tắm” giùm thêm cho “cây đời” của tôi bằng nụ cười, bằng muôn nỗi yêu thương, bằng những đồng cảm, sẻ chia ấm áp..
Và đối với người viết, đó là món quà tặng vô giá dù tôi vẫn mãi chẳng phải nhà văn, chẳng có nhà to, tiền tỉ, xe hơi… Biết ơn bạn đã tặng quà, bạn nhé!”
Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Tuy nhiên tuỳ vào từng loại sản phẩm hoặc phương thức, địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, …