THÔNG TIN KHOÁ HỌC
Bộ 3 cuốn sách về thực tập chánh niệm: Yêu Sự Căng Thẳng Thương Nỗi Muộn Phiền – Phật Trong Ngòi Bút Vẽ Thành Ngày Vui – Ngày Mới Tự Làm Mới
Yêu Sự Căng Thẳng Thương Nỗi Muộn Phiền
Lời chia sẻ của tác giả Võ Xuân Dũng dành cho cuốn sách:
“Trong cuốn “Yêu sự căng thẳng, thương nỗi muộn phiền” này, tôi không đưa ra khám phá gì mới mẻ. Đây chỉ là đúc kết tuệ giác và kinh nghiệm của các bậc thức giả tiên phong trong lĩnh vực chỉ dạy chánh niệm, chăm sóc sức khỏe tâm thần cũng như sự phát triển lành mạnh của tuổi trẻ. Tôi muốn chia sẻ kết quả thực tập chánh niệm của riêng tôi cũng như những kinh nghiệm lâm sàng của tôi trong vai trò là một bác sĩ nhi khoa chuyên về y khoa tuổi vị thành niên.
Gốc rễ thực tập chánh niệm của tôi là những năm tháng thực tập dưới sự chỉ dạy của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Người vừa là một thiền sư, vừa là thi sĩ, đã từng hoạt động tranh đấu hòa bình và được mục sư Luther King Jr. đề nghị trao giải Nobel Hòa bình. Rất nhiều dẫn chứng hay khái niệm về chánh niệm cũng như các phép thiền hướng dẫn, ngồi thiền, thở bằng bụng, ăn uống trong chánh niệm, đi thiền, quán từ bi, truyền thông, và xây dựng hòa bình trong sách này đều do tôi lĩnh hội từ sự chỉ dạy của thiền sư Thích Nhất Hạnh và giáo lý thực tập tại Làng Mai, một trung tâm thiền tập do thiền sư Thích Nhất Hạnh thiết lập tại miền Nam nước Pháp.
Nói như thế không có nghĩa phải là một Phật tử mới được lợi lạc khi đọc cuốn sách này. Tôi đã cố gắng trình bày sự thực tập chánh niệm dưới một hình thức không có tính cách tôn giáo, một hình thức phổ biến để có thể hấp dẫn các thanh thiếu niên thuộc hay không thuộc bất cứ một truyền thống tôn giáo nào, một hình thức thích hợp cho việc sử dụng tại bệnh viện hay trường học.
Cuốn “Yêu sự căng thẳng, thương nỗi muộn phiền” này được xây dựng từ chương trình MARS-A (Mindful Awareness and Resilience Skills for Adolescents – Trau dồi ý thức chánh niệm và khả năng kiên cường cho vị thành niên) mà tôi đã tổ chức với sự hợp tác của một người bạn thân và cũng là đồng nghiệp, bác sĩ Jake Locke. Chương trình huấn luyện này đang được tổ chức tại bệnh viện nhi British Columbus. MARS-A là một chương trình dành cho những bạn trẻ vị thành niên đang thời kỳ phát triển và thích ứng với đời sống. Chương trình kéo dài tám tuần lễ, tại khu ngoại chẩn, nhằm huấn luyện chánh niệm cho các thiếu niên từ 14 đến 19 tuổi đang gặp khó khăn về mặt tâm thần (trầm cảm, lo âu, sợ hãi) và có thể bị, hay không bị, đau nhức kinh niên hay một chứng bệnh kinh niên nào khác. Căn bản cơ cấu tổ chức và nội dung của chương trình MARS-A được phỏng theo chương trình MBSR (Mindful Based Stress Reduction – Giảm bức xúc bằng chánh niệm, Kabat-Zinn, 2013) cũng như hai chương trình tương tự, MBCT (Mindful Based Cognitive Therapy – Liệu pháp nhận thức bằng chánh niệm, Segal, William & Teasdale, 2013), MBSR-T (Mindful Based Stress Reduction for Teens – Giảm bức xúc bằng chánh niệm cho trẻ vị thành niên, Biegel et al., 2009). Vài thực tập căn bản của hai chương trình MBSR và MBCT (ăn uống trong chánh niệm, ngồi thiền, quán chiếu từng bộ phận của cơ thể, tư duy chánh niệm và thực tập niệm tâm từ) đã được áp dụng trong chương trình MARS-A và được đưa vào cuốn sách này dưới một hình thức mang nặng ảnh hưởng từ đường lối thực tập tại Làng Mai và từ thực tập chánh niệm của riêng tôi. Chương nói về chánh niệm cơ thể và cách ứng xử đau nhức chịu ảnh hưởng nhiều từ chương trình MBSR. Chương nói về chánh niệm khi suy nghĩ (chương 9) và chăm sóc tự thân (chương 17) chịu ảnh hưởng từ chương trình MBCT. MARS-A cũng tham khảo công trình của Kenneth Ginsburg về sự phát triển lành mạnh của tuổi trẻ – đặc biệt là trong chương nói về thích ứng bức xúc (chương 1) và chương nói về ý muốn được toàn hảo (chương 11). MARS-A cũng rút kinh nghiệm từ công trình của Daniel Siegel về liên hệ thần kinh sinh lý học – đặc biệt là chương nói về tác dụng thần kinh sinh lý của bức xúc (chương 1) và thiết lập liên hệ tương liên (chương 12).
Phật Trong Ngòi Bút Vẽ Thành Ngày Vui
“Phật trong ngòi bút – vẽ thành ngày vui” là cuốn sách tranh, mỗi trang là một câu nói ngắn gọn kèm một bức tranh minh họa dễ thương cho câu nói đó. Có khoảng 90 câu nói.
Một số câu nói như:
– Hãy bắt đầu bằng tình yêu thương.
– Hãy yêu thương theo cách khiến người bạn yêu thương cảm thấy mình tự do. – Thích Nhất Hạnh
– Bạn không thể ngăn được những con sóng ập tới, nhưng bạn có thể học cách lướt trên những con sóng đó.
– Hãy lấp đầy tâm trí bạn bằng lòng từ bi. – Đức Phật
– Hãy để bản thân bị âm thầm cuốn theo tiếng gọi lạ kỳ của những điều bạn thật sự yêu thích. Chúng sẽ không dẫn bạn đi sai đường đâu. – Rumi
– Hãy tận hưởng những nghi thức đem lại sự khoái lạc.
– Hãy ở nơi bạn đang ở.
– Hãy lặn vào trong và đi thật sâu.
– Hãy kết nối với sự vô hạn.
– Hãy hướng về ánh sáng.
– Hãy làm những điều khiến bạn cảm thấy mình thật sự đang sống.
– Hãy nhẹ.
– Bạn được yêu thương và giúp đỡ.
– Khắc khoải mãi về những sai lầm cũng giống như mang một vật nặng đè lên tâm trí. – Đức Phật
– Chú tâm trọn vẹn chính là cầu nguyện. – Thiền ngữ
– Bằng suy nghĩ của mình, chúng ta tạo ra thế giới.
– Hãy ca tụng sự hồi phục của bạn.
– Hãy tốt bụng bất cứ khi nào có thể. Điều đó luôn luôn có thể. – Đạt-lai Lạt-ma
– Hãy nói xin chào bằng tình yêu thương.
Ngày Mới Tự Làm Mới
Những ngày cuối năm và nhất là khi cả dân tộc Việt Nam cùng chào đón năm mới âm lịch Kỷ Hợi 2019, rất nhiều Phật tử đã thỉnh và tặng nhau lịch thư pháp NĂM MỚI, TA CŨNG MỚI của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Một món quà đơn giản nhưng ý nghĩa vô cùng.
Tôi cũng đã cùng các bạn hữu ngồi lật từng trang lịch để nghiền ngẫm từng bức thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh qua bộ lịch. Nào là “Giờ phút này quý báu, lòng biết ơn tràn dâng”, rồi “Đây là giây phút hạnh phúc”, lại nữa “Ngồi cho yên để bắt đầu thấy rõ”, “Uống trà đi”, “Thả cho nó bay”. Thật là những công án thiền quá tuyệt đỉnh. Thật là liệu pháp ngôn ngữ tuyệt vời. Tôi chợt giật mình: Mình đã thực tập nhận diện và chuyển hóa nỗi khổ niềm đau theo hướng dẫn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã 13 năm nay. Tôi của ngày hôm nay là do kết quả 13 năm thực hành chánh niệm và thực tập chuyển hóa thân tâm. Miên mật và nghiêm túc. “Ta cũng mới” là một sự thực tập. Tôi nguyện thực tập chánh niệm trong mỗi khi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, lau nhà, tưới cây, viết bài, đọc sách, tập yoga, khí công, lái xe, giảng bài. Chỉ có như vậy mới mang lại sự bình an thật sự trong mình. Chánh niệm và tỉnh giác là chìa khóa vạn năng đưa ta vào hỷ lạc và vững bước trên con đường đẹp phía trước, để tiếp xúc sâu sắc với những màu nhiệm của sự sống. Vậy nên nhất định phải làm mới mình bằng cách tinh tấn thực hành chánh niệm.
Nhân năm mới Kỷ Hợi, tôi ngồi xem lại các câu chuyện mà tôi đã kể cho các học trò của tôi trong Vườn Yêu Thương suốt 12 năm qua. Rất nhiều câu chuyện hay, có trí tuệ, tràn ngập triết lý, chan chứa yêu thương các học trò mọi thế hệ của tôi đã được nghe, thậm chí nghe nhiều lần. Nhiều em đã rất thích thú. Không ít em đã thay đổi nhận thức của mình về lý tưởng sống. Chỉ nhờ một câu chuyện trong số này mà nhiều em đã thoát được hoàn cảnh bi đát, tuyệt vọng của mình. Nhiều em lan truyền những câu chuyện và giúp thêm nhiều người khác. Thật là màu nhiệm.
Nhân duyên cho ra đời cuốn sách mà bạn đang cầm trên tay đấy ạ. Tôi xin phép bạn đọc dùng nguyên cách xưng hô của tôi với các học trò để giữ đúng tinh thần của các buổi sinh hoạt hoặc các lá thư tôi gửi đến các em. Là người đam mê trao truyền tri thức, nên tôi luôn tìm cách để khích lệ các em, sách tấn các em, đôi khi chỉ đơn giản là kể cho các em những câu chuyện tôi đã đọc được ở đâu đó. Vốn tri thức của nhân loại thật vô tận. Những câu chuyện hàng ngày vẫn được kể khắp nơi. Nếu ta dùng các câu chuyện này, kể vào đúng hoàn cảnh thì rất có ích, thậm chí chuyển hóa được bao tâm hồn.
Ngày xuân đến, tôi mong mỗi câu chuyện trong cuốn sách này là một bông hoa tươi, một làn gió mát mang cái mới đến cho bạn. Mỗi câu chuyện ở đây là luồng không khí trong lành, là ánh sáng bình minh cho ngày mới, là cơn mưa giữa mùa hạn, là ánh trăng sáng mát hiến dâng tặng bạn. Mỗi câu chuyện là một bài học đã làm các học trò của tôi soi lại mình và chuyển hóa trong 12 năm qua.
Lần xuất bản trước cuốn sách có tên là Năm mới, ta cũng mới nhưng ở lần tái bản này, tôi quyết định đổi tên cuốn sách thành Ngày mới, tự làm mới với thông điệp cần làm mới mỗi ngày để cuộc đời luôn ý nghĩa. Tôi mong rằng, mỗi ngày bạn đọc một câu chuyện trong cuốn sách và suy ngẫm để học và thực hành cùng tôi. Nếu như chúng ta không tự làm mới mình, không tự chuyển hóa chính mình, không có những hành động cụ thể, không thực tập chánh niệm và tỉnh giác, thì dù năm mới có đến, ta cũng đâu có gì mới. Nào chúng ta cùng đồng hành làm mới chính mình nào. Together is better. Together we are one. Cùng nhau sẽ đi xa hơn. Cùng nhau chúng ta là một. Một bản thể bình an, hạnh phúc đầy hỷ lạc.
Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Tuy nhiên tuỳ vào từng loại sản phẩm hoặc phương thức, địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, …