THÔNG TIN KHOÁ HỌC
Cho Nhẹ Lòng Nhau
Không ngôn từ hàn lâm, không nhiều tình tiết cao trào, mọi câu chuyện trong tập truyện Cho nhẹ lòng nhau của Đại đức Giác Minh Luật rất nhẹ nhàng, rất trung dung, và cũng rất “đời” qua góc nhìn thật từ bi.
Câu chuyện có thể là chuyện có thật của chính tác giả, ở những ngày xưa cũ, nghĩ về đời từ những thứ rất nhỏ, rất giản đơn; rồi lấy đó làm nền tảng để trưởng thành, chín chắn.
Nhân vật có thể là người tu trưởng thành, lặng lẽ nhìn để thương cho thân phận những con người cùng khổ – mất mẹ, mất niềm tin với đạo hoặc mất cha, mất điểm tựa của cuộc đời; rồi lại rớt nước mắt cùng nỗi khổ của chúng sanh – khi tưởng mất đi đứa con do mình dứt ruột đẻ ra, hoặc rời xa chốn nương thân bình yên – là cửa chùa – để đồng hành cùng mẹ.
Nhân vật là người tu còn rất trẻ, nhưng biết cảm thông cho nỗi khổ của sư huynh đệ của mình – những nỗi khổ xuất phát từ nhớ thương dành cho gia đình, những nỗi khổ bắt nguồn từ dằn vặt khi đứng giữa hai dòng đời và đạo. Những người tu ấy, những nhân vật ấy hiểu tận cùng để hỗ trợ tận cùng khát khao được xuất gia, được trở thành nhà sư, được cống hiến hết mình cho đại chúng.
Thậm chí, nhân vật có thể là “vô hình”, theo sau để quan sát và thấu hiểu cho những nỗi niềm rất riêng của người tu – có thể là ước mơ một lần được nhìn thấy mình trong hình dung có mái tóc, cũng có thể là sự bẽ bàng khi rời chùa bước chân vào dòng đời bạc bẽo phôi pha …
Dùng những hình tượng rất tâm linh – tiếng chuông, “linh hồn” của người cha đã khuất nay được làm chú tiểu, những đoạn trích Kinh – tác giả đã gửi gắm trọn vẹn được ý tứ của mình suốt cả tập, về sự thiêng liêng của tình mẫu tử, về giá trị thật của gia đình, về sự thức tỉnh của những người trẻ để tìm về bình an dưới chân Phật, về cả những khó khăn trên đoạn đường tu học chốn thiền môn.
Và, những thứ tưởng giản đơn ấy để lại những điều thật sự sâu sắc, thiêng liêng mà đôi khi con người vội vã lãng quên. Hãy trở về, khi còn có thể! Hãy hiểu, để thương!
Sen Nở Trời Phương Ngoại
Kinh Pháp Hoa là một kinh rất nổi tiếng, có thể nói là một kênh nổi tiếng nhất của đạo Bụt Đại Thừa. Tư tưởng tôn xưng kinh Pháp Hoa là vua của tất cả các kinh đã có từ lâu. Chính nhờ kinh Pháp Hoa mà đạo Bụt Đại Thừa trở thành một cơ sở có căn bản, có truyền thống và biến thành một Giáo hội thực sự với việc tuyên thuyết hai thông điệp chính:
(1) Tất cả chúng sinh đều có thể thành Bụt,
(2) Chỉ có một con đường tu học duy nhất là Phật thừa.
Tam thừa chỉ là phương tiện dẫn dắt chúng sinh buổi ban đầu. Chủ đích quan trọng nhất của chư Bụt là hướng dẫn chúng sinh đi vào con đường Phật thừa, tức là con đường Khai, Thị, Ngộ, Nhập tri kiến của Bụt. Vì vậy mà triết lý này được gọi là Khai tam hiển nhất, hay là Hội tam quy nhất, nghĩa là gom cả ba cái lại để đưa về một cái. Ðiều đó làm cho kinh Pháp Hoa trở thành Diệu Pháp.
Với Sen nở trời phương ngoại, Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ không giảng từng đoạn kinh Pháp Hoa như nhiều người khác đã làm, mà chỉ đi vào từng Phẩm, tóm lược nghĩa chính của từng Phẩm, khai triển, và diễn dịch những điều căn bản trong từng Phẩm, để quý vị độc giả có được một cái thấy tuy khái quát nhưng rõ ràng về ý kinh. Riêng Phẩm Quán Thế Âm Bồ tát tức là Phẩm Phổ Môn, Phẩm thứ 25, vì là Phẩm được nhiều người tụng đọc nhất trong toàn bộ kinh Pháp Hoa, nên Thiền sư sẽ giảng với nhiều chi tiết hơn. Thêm vào đó, Người cũng sẽ đưa ra một số đề nghị để đóng góp cho sự hoàn bích của đóa hoa đẹp nhất trong Vườn kinh điển Đại Thừa này.
Nhẹ Gánh Ưu Phiền
Nhẹ Gánh Ưu Phiền là quyển sách thứ hai của tác giả Như Nhiên Thích Tánh Tuệ sau An nhiên giữa những thăng trầm. Với mong muốn tiếp tục góp thêm một đầu sách giúp quý độc giả vơi nhẹ gánh ưu phiền, tận hưởng niềm hạnh phúc, an lạc ngay trong từng hơi thở, tác giả tiếp tục tập hợp các bài văn, bài thơ vào cuốn sách thứ hai này nhằm truyền tải thông điệp chính: hạnh phúc không ở đâu xa xôi, hạnh phúc đang ở đây, ngay lúc này. Điều quan trọng là đôi mắt bạn có nhìn ra, trái tim bạn có cảm nhận được những niềm hạnh phúc ấy không. Đó cũng chính là giá trị và lợi ích thiết thực của sự tu tập trong Phật giáo. Tu không phải để ngày mai ngày kia sẽ hạnh phúc mà tu lúc nào là hạnh phúc ngay lúc đó.
Tu là hạnh phúc bây giờ
Không ăn bánh vẽ, không chờ kiếp sau!
Sách còn truyền cảm hứng sống một cuộc đời ý nghĩa, ngát hương thiện lương. Sâu thẳm trong lòng mỗi người, có lẽ ai cũng biết rõ rằng sẽ có ngày mình phải rời xa cuộc đời và sự chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Giá trị một đời người không phải là sống dài lâu mà nằm ở chỗ người ấy đã làm được những điều gì tốt cho bản thân và cuộc đời.
Đời người mong manh và vô cùng đáng quý, thế nên sao ta không dốc tâm làm ngay những việc tốt đẹp? Đức Phật khuyên nhắc chúng ta nên gấp rút làm nhiều việc tốt, việc thiện để hướng thiện cho bản thân và làm cho cuộc đời chung thêm phần an lạc.
Sự thiện lương và bình an trong nội tâm của bạn sẽ góp phần tạo nên sự bình an của thế giới bên ngoài. Và sự bình an chung ấy sẽ ảnh hưởng đến nhiều người khác quanh bạn. Thế nên, ngay giây phút này, bạn hãy dám sống như một bông hoa, hồn nhiên nở, hết lòng dâng hiến vẻ đẹp và hương thơm cho đời.
Giữ Tâm Cho Sáng , Giữ Lòng Cho Yên
Đời người luôn biến đổi thăng trầm với mọi cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố. Ai cũng đôi lần hành xử nông nổi, nói những lời vô tâm làm tổn thương người khác hay rơi vào tuyệt vọng khi gặp khó khăn. Nhưng điều quan trọng là ta phải tự nhìn nhận lại mình, sửa chữa, tôi rèn bản thân và vững tâm tiếp tục tiến về phía trước để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với bản thân và cả với người khác.
Giữ tâm cho sáng, giữ lòng cho yên đưa ra những lời khuyên, chỉ dẫn về những điều nên làm và những điều không nên làm cho tất cả mọi người để lèo lái “con thuyền” của mình vượt qua biển đời mênh mông đến bến bờ hạnh phúc, an nhiên
Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Tuy nhiên tuỳ vào từng loại sản phẩm hoặc phương thức, địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, …