THÔNG TIN KHOÁ HỌC
Khi Bạn Đang Mơ Thì Người Khác Đang Nỗ Lực
Lời nói đầu
Tại sao bạn không đủ xuất sắc?
Có rất nhiều người hỏi tôi: “Tại sao em có thành tích tốt, cũng không lười, nhưng vẫn không đủ xuất sắc?”. Tôi chỉ có một câu trả lời cho vấn đề này: Bạn vẫn chưa thực sự thay đổi bản thân nhưng lại ép mình phải thành công, vì thế bạn mãi mãi không biết mình có thể xuất sắc thế nào.
Một huấn luyện viên dạy bơi cho trẻ em từng nói với tôi: “Ngài có biết làm thế nào để một đứa trẻ không biết bơi lại nhanh chóng học bơi được không? Rất đơn giản, chỉ cần thả trẻ xuống nước, để trẻ giãy giụa, làm quen với cảm giác ở dưới nước”. Tôi hỏi cậu ấy, làm như thế có nguy hiểm quá không? Huấn luyện viên nói rằng không cần quá lo lắng, chỉ cần kịp thời giúp sức, cứ luyện tập từ từ, bất kể ai cũng đều có thể biết bơi. Bởi vì trong tình huống nguy hiểm, tiềm năng của con người mới được bộc lộ rõ, học tập hay làm việc đều vừa nhanh vừa hiệu quả.
Những lời của huấn luyện viên đó khiến tôi suy nghĩ, phần lớn chúng ta đều sống quá an phận. Chúng ta có mục tiêu nhưng thiếu lòng quyết tâm như những khi gặp tình huống nguy cấp, vì thế phần lớn cuộc sống của mọi người đều không có gì đặc biệt, con người khát vọng thành công nhưng lại không đủ kiên trì với bản thân. Đây chính là sự khác biệt giữa người thành công và người bình thường.
Do tính chất công việc, trong mấy chục năm qua tôi đã từng tiếp xúc với vô vàn kiểu người, trong đó có doanh nhân, diễn viên điện ảnh nổi tiếng và các nhân sĩ thuộc giới chính trị. Cảm nhận lớn nhất của tôi là, trong huyết mạch của những người thành công luôn cuộn chảy nguồn sức mạnh hướng về phía trước, thứ sức mạnh này có thể được gọi là “ép buộc bản thân”, giống như tinh thần Olympic, con người không ngừng thay đổi để trở nên xuất sắc hơn, theo đuổi mục tiêu cao hơn.
Theo tôi được biết, Oprah Winfrey đã “ép” bản thân đọc rất nhiều sách trong một năm và luôn giữ thói quen đọc sách đến giờ, điều này giúp cô ấy trở thành một trong những MC truyền hình có vốn kiến thức sâu rộng nhất hiện nay; ngôi sao bóng rổ Michael Jordan từ khi học cấp ba đã yêu cầu bản thân mỗi ngày luyện tập ít nhất 300 lần lên rổ, anh ấy nhanh chóng trở thành vận động viên nổi bật trong đội bóng và nhận được sự quan tâm của NBA (Hiệp hội bóng rổ quốc gia); Christian Bale ép bản thân giảm 30kg trong hai tháng để phù hợp với tạo hình của vai diễn chính trong The Machinist (Thợ máy), qua bộ phim này Bale đã bước lên hàng sao nam hạng nhất của thế giới!
Bạn thấy đấy, những người giành được thành công thực sự, đằng sau ánh hào quang của họ luôn có những câu chuyện về quá trình khổ luyện ít ai biết đến. Chỉ có không ngừng ép buộc bản thân mới có khả năng vượt qua người khác để trở thành người xuất sắc. Cũng chỉ có giữ vững sức mạnh này bạn mới có thể từ ưu tú trở nên xuất sắc hơn, cho đến khi chạm tới đỉnh cao siêu việt.
Về điểm này, trong phạm vi nước Mỹ cho tới phạm vi toàn thế giới, Đại học Harvard luôn là tấm gương cho thanh niên toàn cầu. Đã có tám vị Tổng thống Mỹ, hơn bốn mươi người giành giải Nobel và hơn ba mươi người giành giải Puliter (giải thưởng của nước Mỹ trao tặng cho những nhân vật kiệt xuất trong nhiều lĩnh vực khác nhau) từng theo học nơi đây. Nhất cử nhất động của Đại học Harvard đều ảnh hưởng tới sự phát triển và xu hướng kinh tế toàn nước Mỹ, ngoài chính trị và văn hóa, Đại học Harvard còn là cái nôi bồi dưỡng nên các nhân tài sáng lập ra Microsoft, IBM, Facebook…
Bạn phải biết rằng, mỗi một người bước chân vào Đại học Harvard đều có thể nói là những người xuất sắc so với các bạn cùng trang lứa. Họ đã vô cùng xuất sắc rồi, chỉ cần thuận lợi tốt nghiệp, cùng với vầng hào quang của Đại học Harvard là có thể dễ dàng tìm được một công việc đáng mơ ước.
Khi bước vào Harvard, trải qua quá trình học tập và sinh sống ở đây một thời gian, bạn sẽ nhận thấy các bạn học của mình cũng đặt ra yêu cầu cao đối với bản thân giống như những nhân sĩ đã thành công trước đó. Tôi tới trường Đại học Harvard để học tập và thực hiện phỏng vấn rất nhiều lần, tôi thực sự hiểu sâu sắc linh hồn của ngôi trường này.
Ở Đại học Harvard, con người luôn dùng mục tiêu cao hơn để thúc đẩy bản thân, ép bản thân trở nên xuất sắc hơn, mỗi sinh viên Harvard đều ghi nhớ rõ câu này: “Khi bạn đang mơ thì người khác đang nỗ lực”. Vì thế, khi tới đây bạn sẽ rất quen với hình ảnh những con người dùi mài suốt đêm ở thư viện, những sinh viên ôm cả chồng sách dày cộp ở sân trường, những thanh niên tích cực tham gia các hoạt động xã hội…
Về tinh thần Đại học Harvard, David Scharfstein – Giáo sư khoa Tài chính Ngân hàng từng nói với tôi: “Tôi công tác ở Đại học Harvard mười năm, nếu nói tới điểm khác biệt của sinh viên Đại học Harvard, tôi nghĩ là ở sự tích cực chủ động. Sinh viên của tôi không bao giờ chờ đợi tôi giao sách đọc và luận văn cho họ, ngược lại họ thường xuyên tìm tôi trao đổi về vấn đề họ đang nghiên cứu. Nếu những người này không thể thành công, vậy ai có thể thành công được chứ?”.
Giáo sư Jody Freeman ở khoa Luật cũng bày tỏ cách nhìn của bà với sinh viên của mình: “Mỗi ngày các sinh viên đều tự cạnh tranh với chính mình, họ có động lực thúc đẩy bản thân rất lớn, không bỏ qua bất cứ cơ hội nào. Điều này rất đáng sợ (mỉm cười) bởi vì có rất nhiều người trong số họ đã vượt hơn cả mong đợi của chúng tôi, đủ năng lực để đứng một mình trong xã hội này. Nhưng tôi sẽ không nói điều đó với họ, như thế sẽ khiến họ nỗ lực trở nên xuất sắc hơn nữa. Đúng thế, họ chắc chắn sẽ làm được”.
Xét về một ý nghĩa nào đó, bạn giành được thành công đến đâu đều quyết định ở việc bạn xuất sắc đến đâu. Một người nhụt chí chắc chắn sẽ chẳng bao giờ thành công, thậm chí họ chẳng có mục tiêu nào cả. Vì thế xuất sắc là tiền đề của thành công. Vậy làm thế nào để trở nên xuất sắc? Giống như những con người ở Harvard vậy, phải “ác” với bản thân, mỗi ngày nỗ lực thêm một chút, bạn mới từ từ biến mình trở thành người xuất chúng được.
Khéo Ăn Nói Sẽ Có Được Thiên Hạ ( Tái Bản )
Trong xã hội thông tin hiện đại, sự im lặng không còn là vàng nữa, nếu không biết cách giao tiếp thì dù là vàng cũng sẽ bị chôn vùi. Trong cuộc đời một con người, từ xin việc đến thăng tiến, từ tình yêu đến hôn nhân, từ tiếp thị cho đến đàm phán, từ xã giao đến làm việc… không thể không cần đến kĩ năng và khả năng giao tiếp. Khéo ăn khéo nói thì đi đâu, làm gì cũng gặp thuận lợi. Không khéo ăn nói, bốn bề đều là trở ngại, khó khăn. Trong thời đại thông tin và liên lạc phát triển nhanh chóng, tin tức được cập nhật liên tục, các công cụ thông tin và kĩ thuật truyền thông được ứng dụng rộng rãi như ngày nay thì việc khéo ăn nói đã trở thành “cái tài số một thiên hạ”. Trong khoảng thời gian ngắn nhất, nếu ai có thể nêu bật được khả năng, thực lực của mình cho đối phương biết thì đó sẽ là người chiến thắng. Chính vì vậy mà câu nói “Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ” rất có ý nghĩa. Vậy, như thế nào mới gọi là biết cách ăn nói? Nói năng lưu loát, không ấp úng có được gọi là biết cách nói chuyện không? Nói ngắn gọn, nói ít nhưng ý nghĩa thâm sâu có được gọi là biết cách nói chuyện không? Hay nhất định phải nói nhiều mới là biết nói chuyện?
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thấy rằng: Biết cách nói chuyện không nhất định là phải nói nhiều, quan trọng là phải nói đúng trọng tâm, đúng nội dung. Và điều quan trọng là phải nắm được vấn đề mình đang nói đến. Chắc chắn rất nhiều người đã gặp phải tình huống như thế này: Có những nhân viên tiếp thị khi gặp khách hàng thì giống như một cái máy, nói không ngừng nghỉ, không để ý tới phản ứng và cảm nhận của khách hàng, không cần biết vị khách đó có đang nghe lời giới thiệu về sản phẩm hay không. Nếu làm việc như vậy thì người đó nắm chắc phần thất bại. Trong cuộc sống và trong công việc, chúng ta cũng rất hay gặp phải hiện tượng như sau: Nhiều người khi nói chuyện với người quen thì nói rất hay, không bị mất bình tĩnh hay ấp úng. Thế nhưng khi gặp người lạ hoặc phải nói chuyện trong một đám đông, thì người đó dường như bị mất sự chủ động với ngôn ngữ, có lúc còn không biết mình đã nói gì. Vậy làm thế nào để cải thiện và tránh gặp phải những tình huống như trên? Làm thế nào để ăn nói khéo léo? Có phương pháp và quy luật nào được áp dụng khi giao tiếp không? Có nguyên tắc và bí quyết nào cho các cuộc nói chuyện không? Trong những tình huống khác nhau, với những người khác nhau thì phải nói chuyện như thế nào, và làm sao để trình bày những điều khó nói? Cuốn sách “Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ” này sẽ giải đáp những câu hỏi đó. Cuốn sách với ngôn từ rõ ràng, gần gũi với cuộc sống sẽ mang đến những kĩ năng và phương pháp giao tiếp thực dụng, chắc chắn sẽ giúp ích cho quý độc giả. Nếu như những quy tắc và phương pháp chỉ giúp một số ít người nắm được và ứng dụng, thì giá trị của nĩ là có hạn. Chỉ cần những quy tắc và phương pháp cuốn sách đưa ra giúp được nhiều người, thì giá trị của nó là vơ hạn. Tác giả của “Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ” đã dốc hết tâm sức nghiên cứu về các kĩ năng và quy tắc giao tiếp, đây cũng chính là giá trị lớn nhất của cuốn sách. Một cuốn sách hay sẽ tự nói lên được giá trị của nó, và tự bản thân mỗi độc giả sẽ cảm nhận được điều đó. Quý độc giả sẽ tự nhiên yêu thích một cuốn sách có thể chạm đến trái tim và bổ ích cho mình. Còn với một cuốn sách không hay, độc giả sẽ không mua và cũng sẽ không để tâm đến. Sự hay dở của một cuốn sách do chính độc giả cảm nhận và xác định, thị trường sách cũng sẽ có đánh giá. Cuối cùng, nhắc lại về vấn đề giao tiếp, tôi có hai điều muốn nói với độc giả: Thứ nhất là nói chuyện phải chân thành. Chân thành chính là thứ ngôn ngữ hay nhất, nếu không chân thành thì cho dù nói nhiều bao nhiêu, nắm được nhiều kĩ năng và phương pháp giao tiếp đến thế nào, tất cả cũng chỉ là vô nghĩa. Điều thứ hai là phải lắng nghe bằng trái tim. Chỉ có lắng nghe bằng trái tim thì chúng ta mới biết phải nói gì, nói như thế nào. Những người không biết cách lắng nghe thì không phải là người biết cách nói chuyện. Người biết cách nói chuyện thì chắc chắn là người biết lắng nghe. Chúc quý độc giả đọc sách vui vẻ và có thể nâng cao được kĩ năng giao tiếp của mình. Biết cách nói chuyện khéo léo và luôn có được cuộc sống tuyệt vời.
Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Tuy nhiên tuỳ vào từng loại sản phẩm hoặc phương thức, địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, …