THÔNG TIN KHOÁ HỌC
Một Mình Ở Châu Âu (Tái Bản 2018)
Bất hạnh là một tài sản
Những người đàn bà, họ không một mình ngẫu nhiên tới Paris, Venice, Rome, Florence…
Họ có thể là sinh viên mới ra trường, muốn đến Paris để viết văn; có thể là người đã đi qua một cuộc hôn nhân, giờ đến đó để nhìn lại; có thể là người bấy lâu vẫn mòn mỏi chờ đợi mối tình lớn của đời mình và mong nó xảy ra ở châu Âu… Hoặc họ có thể, như tác giả của cuốn sách này, đến châu Âu một mình để du lịch như một người không quá khứ, không ràng buộc; và để hỏi những câu hỏi bước ngoặt về tình yêu và hôn nhân…
Cuốn sách này, hơn cả một cuốn du ký về những ngày du ngoạn qua các thánh địa mơ ước ở châu Âu, còn là một hành trình nội tâm xuyên suốt, dai dẳng, và không phải không đau đớn.
Có thể thấy điều đó, dẫu chẳng ở châu Âu một mình.
Trích đoạn trong sách:
“…Nhưng có lẽ đó chính là vấn đề của quảng trường San Marco, của Venice, và là lý do tại sao đến đây lần thứ hai nhưng tôi vẫn không ấn tượng với quảng trường này. Có cái gì đó rất Hollywood ở đây và ở khắp Venice. Những người ngồi sưởi nắng ở đây, và dàn nhạc này không giống với những người sưởi nắng trong vườn Luxembourg. Bởi vì họ không sống ở đây. Họ đến rồi đi… Trong tất cả cái đẹp và sự tinh xảo của Venice, tôi không sao thoát khỏi cảm giác rằng thành phố này đang chết. Nó đang chìm dần. Venice là ngôi mộ của một quá khứ. Chỉ còn khách du lịch đến đây, và thành phố này chỉ còn đủ người để phục vụ du khách chứ nó không có những người Venice, như Paris có người Paris, Hà Nội có người Hà Nội.
Sáng nay, sau khi rời nhà thờ Mary of Narazeth, tôi mua một vé xe buýt nước theo tuyến số 2 để đi từ đó tới quảng trường San Marco; tức là gần như đi từ đầu này đến đầu kia của Venice; có điều thay vì lấy vé tuyến số 1 chạy theo Kênh Lớn thì tôi lấy tuyến xe buýt chạy bên ngoài Lagoon. Với những người không quan tâm tới hành trình mà chỉ quan tâm tới cái đích cuối cùng thì tuyến số 1 hay số 2 đều thế cả, chúng đều kết thúc ở quảng trường San Marco; chính vì thế mà một bà già đã nói khi thấy tôi phân vân ngoài bến:
“Lên đi con, cái nào thì cũng đến quảng trường San Marco thôi.”
Thuyền chạy từ bến nước ra ngoài Lagoon. Từ đây, tôi có thể nhìn vào Venice và những công trình kiến trúc của nó – Byzantine, Gothic, Phục hưng… Tất cả đều tuyệt vời nhưng rất nhiều trong chúng chỉ còn là những xác nhà đóng kín và đang được UNESCO bảo quản như di sản văn hóa thế giới. “Di sản” – đấy là một từ chính xác nữa để mô tả Venice. Một thời carnival, các lễ hội hóa trang, những bữa tiệc và hòa nhạc không ngừng giờ chỉ còn lưu dấu ở những chiếc mặt nạ bày bán quanh quảng trường và dọc các con đường của Venice; các ngôi nhà, phòng hoà nhạc từng ngập các ông chúa bà hoàng giờ chỉ còn là những hành lang mục nát, tường gạch nham nhở, nước lên ngập tầng một vào mỗi trận lụt, khiến cho rêu rong nấm mốc loang lổ.
Venice đẹp, Venice lạ, nhưng không thể ở đây mà không ý thức về sự lụi tàn. Phải, tiệc vui mấy cũng có lúc tàn và bữa tiệc Venice có lẽ đã tàn từ thế kỷ XIX. Tôi cũng như mười hai triệu khách du lịch đến đây mỗi năm chỉ như những khán giả đến nhìn những gì còn vương vãi từ bữa tiệc đó và cố hình dung về bữa tiệc.
Dù thế, không thể không ngả mũ kính phục người Ý. Họ muốn xây một thành phổ nổi trên mặt nước, vậy là họ xây một thành phố nổi trên mặt nước. Họ muốn một thành phố như một đại tiệc không dứt, và họ đã có một thành phố là một đại tiệc không dứt. Cái đến sau là việc của cái đến sau. Sự lụi tàn trong tương lai không thể là điều ngăn trở sự sản sinh trong hiện tại. Có lẽ tôi và Sơn nên chia tay.”
Xuyên Mỹ
Tiếp nối Một Mình Ở Châu Âu, Xuyên Mỹ là tập 2 của bộ “Bất hạnh là một tài sản” kể lại khoảng thời gian hai năm từ lúc tác giả từ châu Âu về nhà bên bờ Đông nước Mỹ, chuyển từ bờ Đông trở lại Chicago để ly hôn và hoàn thành chương trình tiến sỹ, rồi một mình chuyển đi bờ Tây làm việc cho một trường đại học. Hai năm băng ngang nước Mỹ này tràn ngập những câu hỏi “Ly hôn có đúng không?”, “Sẽ bắt đầu lại từ đâu?”, “Vì sao?”; những câu chuyện tìm việc làm vào cao điểm khủng hoảng kinh tế; những cố gắng để bắt đầu lại; những người bạn và cả những người xa lạ – tất cả làm thành hành trình của một phụ nữ Việt Nam trẻ trên đất Mỹ.
Bỏ nhau nghe có vẻ dễ, nhưng thắng được sự yếu lòng của bản thân để sống cô đơn ở xứ người không đơn giản. Thêm vào đó là bỏ nhau ở Mỹ cũng không phải cứ chạy ra tòa làm thủ tục xoẹt cái là xong, mà phải qua nhiều bước, hòa giải, phân chia quyền lợi, chứng thực tư cách pháp lý này nọ Tất nhiên có vẻ ở Việt Nam cũng thế, nhưng việc nữ nhân vật chính không đòi hỏi gì ở người chồng đã thất nghiệp một thời gian khiến người của tòa án Mỹ không hiểu được. Vẫn là tâm trạng của người Việt trong mọi tình huống, đó chính là nét nổi bật của Xuyên Mỹ – kể cả khi đi dự phỏng vấn xin làm giáo sư đại học, nhân vật chính vẫn không dứt được tâm trạng ấy.
Song song với việc quyết định có ly hôn hay không, việc hình thành một “thế trận tâm lý” hóc hiểm giữa cặp vợ chồng bề ngoài có vẻ bình thản chờ đón cái kết cục đường ai nấy đi cũng khiến người đọc hồi hộp đến căng thẳng. Ở khía cạnh này, Phan Việt viết rất giỏi, vốn là thế mạnh của cô ở những truyện ngắn đã xuất bản. Thêm vào đấy, việc phải nỗ lực hoàn tất chương trình tiến sĩ cũng là một thách thức, nhất là trong hoàn cảnh cô độc, “lúc này tôi cũng đóng băng mọi thứ”. Cái nỗi đau kìm nén như bên dưới một lớp băng dày, và như nhân vật luôn cố gắng không để cảm xúc tóe loe theo cách thông thường, cô làm những việc lặt vặt hàng ngày, giữ giao tiếp với những người bạn, nhà tư vấn tâm lý, thật sự là một cuộc chế ngự can đảm.
Nước Mỹ, Nước Mỹ Và Những Truyện Ngắn Mới
“Tôi muốn giữ sự tin tưởng (có thể là ảo tưởng) trong tim tôi, rằng lúc này, có một người bạn vẫn thỉnh thoảng nghĩ tới tôi, như tôi cũng thỉnh thoảng nghĩ tới bạn mà đã không bao giờ nói với bạn. Tôi muốn tin rằng giữa những người chưa bao giờ thực sự ‘biết’ nhau vẫn có thể có những yêu thương không phụ thuộc vào bất cứ ràng buộc hay hứa hẹn hữu hình nào. Tôi muốn tin vào những thứ ‘duyên’ không đi kèm ‘phận’ hay ‘số’ mà do chúng ta tạo ra với nhau bằng tình cảm. Tôi muốn tin rằng những gì chúng ta đã gieo xuống, dù chậm, nhất định sẽ nảy mầm và ra trái đúng như cái hạt mầm đã gieo. Như sau mùa đông dài, nhất định phải là mùa xuân; tôi mong tất cả các bạn tôi, dù ở bất cứ đâu trên trái đất vào lúc này, cũng vẫn giữ trong tim cảm giác thanh xuân của những năm tháng tuổi trẻ – cái thời mà mọi thứ đều dễ dàng, buổi sáng sớm một ngày bất kỳ có thể đứng dậy nói lời tạm biệt mà đi không lưỡng lự hoặc nhìn tuyết trắng trời mà mỉm cười rồi hít vào và thở ra một hơi thật dài, cho hơi nước bay lên trong buổi sớm.”
Về Nhà – Bất Hạnh Là Một Tài Sản
“Về nhà” là cuốn sách quan trọng nhất, “là lý do để viết bộ sách này”. Không còn loay hoay với những câu hỏi như trong đời, đâu là việc chính, đâu là việc phụ, hay sống để làm gì, cuốn sách kể lại những nhân duyên đầu tiên – kỳ quặc, lạ lùng, đáng sợ hay vui vẻ – đã đưa chị trở lại căn nhà đích thực của mình – ngôi nhà bên trong thân và tâm, “nơi tất cả các ham muốn ghi nhận, ghi nhớ, ghi chép, suy luận, tư duy, kết nối, so sánh đều dừng bặt”.
Cũng giống như hai cuốn trước, “Về nhà” được viết từ những ghi chép tỉ mỉ của tác giả về mọi việc xảy đến trong cuộc sống, và được chị tự biên tập cắt đi chỉ còn một nửa.
Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Tuy nhiên tuỳ vào từng loại sản phẩm hoặc phương thức, địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, …