THÔNG TIN KHOÁ HỌC
Bộ sách gồm 2 cuốn:
1. Đến Starbucks Mua Cà Phê Cốc Lớn
Đến Starbucks mua cà phê cốc lớn được viết bởi “nhà kinh tế học bình dân” của Nhật Bản, một cuốn sách lý giải một cách chân thực và dễ hiểu nhất về những hiện tượng kinh tế diễn ra trong đời sống của chúng ta.
Nếu như bạn đọc mê sách kinh tế có thể hài lòng với series Kinh tế học hài hước (gồm 4 cuốn & nổi bật nhất là Khi nào cướp nhà băng) thì với những nhà khởi nghiệp & các sinh viên cần một lượng kiến thức chuyên sâu am hiểu về thị trường hơn, thì chừng đó những câu chuyện thi vị dưới góc nhìn châm biếm của các nhà kinh tế học kiểu Mỹ là chưa đủ. Trong trường hợp này thì Đến Starbucks mua cà phê cốc lớn sẽ là sự lựa chọn phù hợp hơn. Một cuốn sách độc đáo được viết bởi tác giả người Nhật nên văn phong cũng gần gũi & dễ hình dung hơn tại nước ta, nhất là trong bối cảnh thị trường châu Á kha khá giống nhau về hành vi tiêu dùng của người dân đại chúng.
Đầu tiên, xin được nói rằng tên cuốn sách là một cách dùng từ hoa mỹ & rất dễ gây nhầm lẫn. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy nó trong nhà sách, cuốn sách này được xếp cạnh 2 cuốn Dốc hết trái tim & Tiến bước, vốn là những cuốn sách hồi ký của tác giả là CEO và cũng là ông chủ của Starbucks, rất dễ khiến chúng ta nhầm tưởng đây cũng là một cuốn sách viết về cafe Starbucks.
Xin nhắc nhở rằng, không! Hoàn toàn không!
Lấy ví dụ về Starbucks thì có, nhưng để diễn giải những hiện tượng kinh tế vi mô thường gặp, chứ không phải PR cho món cafe nhiều cảm xúc & tâm hồn kia đâu thưa các vị!
Vậy thì cuốn sách này có những gì đặc biệt?
Thứ nhất, nó là một cuốn giáo trình rất dễ gây buồn ngủ
Đừng đọc nó, nếu bạn không phải là một người có niềm đam mê với sách kinh tế. Đọc gì cũng được, trinh thám kinh dị, marketing hoặc văn học thường thức, ok có thể bạn sẽ phải thức thâu đêm. Còn nếu những con tim yêu thích sự lãng mạn mà đọc cuốn sách này, bạn sẽ ngay lập tức chìm sâu vào một giấc ngủ rất ngon.
Vậy đối tượng mà cuốn sách hướng đến, chính là những sinh viên đang bận bịu với kinh tế học, những chuyên gia trong ngành & đặc biệt, là những nhà khởi nghiệp trẻ.
Lý do dành cho sinh viên hay để nghiên cứu thì rất dễ hiểu, còn tại sao những nhà buôn, các bạn đam mê kinh doanh lại cần cuốn sách này?
Thứ hai, Đến Starbucks mua cà phê cốc lớn là cuốn sách dành cho những con buôn
Để lý giải điều này, hãy điểm qua 10 chương của cuốn sách, bạn sẽ hiểu lý do tại sao
Mở đầu: Một sản phẩm nhưng có nhiều mức giá khác nhau, trong khi các sản phẩm hoàn toàn khác nhau lại đồng giá
Đây là chương tổng quan mà tác giả đề cập khái quát nhất về những thắc mắc có thể các bạn thường bỏ qua khi đi mua sắm. Chẳng hạn như tại sao cùng một chai nước lọc mà bán ở siêu thị thì giá 5000đ, trong khi mua ở tiệm tạp hoá là 6000 và mua ở khách sạn, nhà nghỉ bình dân…ờm, giá rẻ nhất cũng 10.000đ.
Hầu như người đọc sẽ hiểu nhầm về lý do Mặt bằng. Ví dụ tách cafe ở vỉa hè giá chỉ 10.000đ nhưng ở quán cafe sang chảnh có giá từ 25.000đ trở lên. Còn vào Starbucks hay Highlands…thì giá có thể lên tới 50-60.000đ. Bài toán thương hiệu khiến cho Starbucks bán chạy dù giá cắt cổ, hoặc bài toán về chi phí mặt bằng thì vô cùng dễ hiểu. Nhưng ở đây tác giả lấy ví dụ về những trường hợp mà siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoặc tiệm tạp hoá cùng bán những chai nước lọc cùng nhãn mác thì sẽ như thế nào? Bạn đọc có trả lời được đúng đắn như tác giả đề cập hay không?
Đó là một câu hỏi hack não không dễ gì có lời giải, và thực sự thì lý do chính xác nếu bạn muốn tìm hiểu sẽ có câu trả lời ở trong chương 1.
Và còn một trường hợp nữa, tại sao những sản phẩm có mức giá như nhau tại các cửa hàng đồng giá? Làm sao họ có lãi từ những việc kinh doanh này? Vui lòng tìm đáp án ở chương 6.
Rắc rối vậy đó, có quá nhiều hành vi tiêu dùng mà bạn đọc thông thường có lẽ không quan tâm đâu, nhưng những nhà buôn thì có để tâm nhiều lắm đấy, đó là lý do như ở tiêu đề, đây là cuốn sách dành cho con buôn, dành cho những nhà kinh doanh!
2. Sức Mạnh Của Sự Túng Quẫn
Tác giả cuốn sách Sức mạnh của sự túng quẫn -The power of Broke, Daymond John, là một SHARK trên chương trình Shark Tank của đài ABC (Hoa Kỳ) – chương trình đã được mua bản quyền format và phát sóng tại Việt Nam. Trong 20 năm qua, Daymond đã đi từ hành trình bán lẻ hàng thời trang may tại gia tới việc thiết lập một đế chế thời trang quốc tế, và được mệnh danh là “Bố già” của Làng thời trang đô thị tại Mỹ. Ngoài sự thành công về phong cách, Daymond đã trở thành một trong những chuyên gia về thương hiệu được yêu mến nhất trên thế giới, diễn giả đầy tâm huyết và có sức thuyết phục.
Theo Daymond John, sức mạnh có thể đưa các công ty khởi nghiệp đi đến thành công chính là sức mạnh của sự túng quẫn. Nói cách khác, ông cho rằng việc bắt đầu kinh doanh với ngân sách và nguồn lực hạn chế có thể là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của các doanh nhân khởi nghiệp. Bản thân Daymond John đã tận dụng sức mạnh của sự túng quẫn kể từ khi bắt đầu bán áo phông được may tại nhà trên đường phố Queens. Với ngân sách 40 đô la, Daymond đã phải nỗ lực một cách phi thường để quảng bá và bán được sản phẩm của mình. Và sự tuyệt vọng, túng quẫn đã tạo ra sự đổi mới, thành quả khi cuối cùng ông đã đưa thương hiệu FUBU trở thành một hiện tượng toàn cầu trị giá 6 tỷ đô la. Trong cuốn sách Sức mạnh của sự túng quẫn – The power of Broke, Daymond John, người sáng lập FUBU và là ngôi sao của ABC Shark Tank cho thấy, xây dựng hoặc bắt đầu một doanh nghiệp với sự túng quẫn buộc người chủ phải suy nghĩ sáng tạo hơn, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Nó buộc người chủ phải kết nối với khách hàng của mình một cách xác thực hơn, thành thật với chính mình, tập trung vào mục tiêu và đưa ra những giải pháp sáng tạo cần thiết để tạo ra một dấu ấn có ý nghĩa cho doanh nghiệp… Đây cũng là sức mạnh mang đến thành công cho hàng chục công ty khởi nghiệp mà tác giả cuốn sách nhìn thấy từ hậu trường Shark Tank, cũng như cách thức để những người khởi nghiệp có thể vận dụng để đem lại thành công cho bản thân mình.
“Khi bạn đang ở thế bất lợi, khi cơ hội đã hết và khi bạn đã dùng đến đồng xu cuối cù đó là khi bạn phải thành công. Bạn không còn lựa chọn nào nữa. Do đó bạn cần nỗ lực gấp đôi, đầu tư nhiều hơn và chuyển sang chế độ làm việc tăng tốc không ngừng nghỉ. Có thể bạn đã bị 30 nhân viên tín dụng từ chối, nhưng biết đâu cơ hội đang chờ bạn ở lần thứ 31. Có thể sản phẩm hay dịch vụ của bạn hoàn toàn bị 30 người đầu tiên đả kích thậm tệ, nhưng người thứ 31 sẽ là người khen ngợi. Hơn nữa đánh giá này lại đến từ một người rất có tiếng nói. Dù thế nào, cũng đừng bao giờ bỏ cuộc! Bạn sẽ chẳng bao giờ biết được rằng: Khi bạn không còn gì để mất, bạn sẽ có được mọi thứ”. Viết đến những dòng bộc bạch này của Daymond John, tôi chợt nhớ ra còn có một cuốn sách nữa mà những người mong muốn khởi nghiệp, những doanh nhân vừa khởi nghiệp cũng rất nên tham khảo. Đó là cuốn sách Gian nan chồng chất gian nan của tác giả Ben Horowitz, một trong những doanh nhân giàu kinh nghiệm và uy tín nhất ở Thung lũng Silicon. Trong cuốn sách này, Ben Horowitz chia sẻ những khó khăn chồng chất ông gặp phải khi sáng lập và điều hành hai công ty công nghệ Loudcloud và Opsware. Đó là khó khăn khi phải đối mặt thị trường gần như sụp đổ, khiến rất nhiều công ty phá sản; mọi người xung quanh từ người bạn đồng sáng lập, nhà đầu tư cho đến nhân viên đều quay lưng lại với ông… Đó là những khoảnh khắc mà như ông viết “tôi chỉ muốn trốn tránh hoặc chết đi”… Khởi nghiệp thực sự không phải là màu hồng như giới truyền thông hay nhiều người vẫn tô vẽ. Và Ben Horowitz là một trong số ít những tác giả “dám công khai” sự thật này. Nhưng Ben Horowitz cũng thấm nhuần triết lý sống từ người ông của mình, cũng là câu nói nổi tiếng của nhà cách mạng Karl Marx: Sống là chiến đấu. Cũng giống như Sức mạnh của sự túng quẫn – The power of Broke, cuốn sách Gian nan chồng chất gian nan của tác giả Ben Horowitz sẽ mang lại cho độc giả một góc nhìn mới về khởi nghiệp. Nhưng trên hết, các tác giả sẽ giúp bạn đọc hiểu được đâu mới là tinh thần đích thực của khởi nghiệp và những kinh nghiệm cần thiết để “chiến đấu” trên con đường bắt đầu xây dựng doanh nghiệp đầy gian nan nhưng cũng tràn đầy cảm hứng này.
Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Tuy nhiên tuỳ vào từng loại sản phẩm hoặc phương thức, địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, …