THÔNG TIN KHOÁ HỌC
Quan Lớn Đi Bụi
Người gom nhặt những mảnh “đời phố” – Nhà văn Tạ Duy Anh
Với tập sách này, tác giả cho thấy ông quyết dấn thân vào biển chữ nghĩa. Nhưng Cụ Trịnh khiêm tốn và rất khôn ngoan chọn cho mình một góc chiếu văn… chưa có ai ngồi. Đỡ phải chen vai thích cánh tranh giành, lườm nguýt theo kiểu đất chật, người đông, chăn hẹp… giữa cái thời láo nháo danh vọng này. Cụ không lê thê tiểu thuyết chương này nối chương kia với ngồn ngộn chữ nghĩa, ngồn ngộn nhân vật. Cụ không vò nhầu hiện thực rồi nén lại để cho nó mang hình những truyện ngắn. Cụ cũng chẳng suy luận triết lý rắc rối, không chẻ chữ, uốn câu, không trau chuốt, đánh bóng… cho có văn có vẻ như ai.
Cụ chơi bài trần sì.
Cụ chỉ chuyên tâm kể lại những mảnh đời phố xá, theo cách thích cười thì cho cười, thích khóc thì cho khóc.
Với một vốn ngôn ngữ đời mới không kém ngồn ngộn nhưng phần lớn chưa chịu chui vào từ điển tiếng Việt.
Đọc Cụ Trịnh, vì thế, giống như ăn những món ăn đường phố. Chúng đơn giản từ nguyên liệu đến chế biến, đến cách bày biện… nhưng không phải ai cũng làm được. Chúng có đủ gia vị, màu sắc, có đủ sự mập mờ về công thức pha chế cùng với mối nghi ngờ về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng đã thấy là cứ nhất định phải ăn. Đã ăn là cứ muốn ăn tiếp. Còn sống là còn chén, không thể chừa được, muốn đến đâu thì đến.
Phố xá không thể thiếu món ăn đường phố, nếu còn muốn là phố.
Văn học không thể thiếu mảng sáng tác về những mảnh đời phố xá.
Thiếu là trống, là phí của giời.
Nhưng hình như trước Cụ Trịnh chưa ai làm, đúng hơn là chưa ai chuyên tâm bỏ công làm một cách miệt mài, dân chủ tôn nó lên thành “chính truyện”. Chịu khó tìm thì cũng thấy thấp thoáng ở người này người kia, trong tác phẩm này tác phẩm nọ, nhưng nó hiện diện như một thứ gia vị, nằm ở vùng phụ cận, ngoài rìa, làm chất độn, đóng vai trò “xen” chuyển màn… với một lối đối xử đầy tính gia trưởng của người viết. Chỉ mình Cụ Trịnh là chơi bài bình quyền với những mảnh rơi vãi chẳng bao giờ thành tấm, thành món ấy. Cụ gom chúng lại, đặt vào những vị trí trang trọng, theo một thứ tự cũng đầy chất đường phố là chả có thứ tự nào cả. Thế rồi cứ vậy chúng tự sinh sôi, tự nhân bản, tự lớn, tự miễn dịch, tự liên kết thành dây, thành chuỗi… phớt lờ các nguyên tắc tạo tác thông thường. Chất sống cho chúng sự kỳ diệu ấy chính là hệ thống ngôn ngữ luôn ở thời kỳ sinh đẻ. Chúng không chịu già, không chịu chín chắn, không chịu định hình để làm vai trò nghiêm túc, nghiêm trang của một tự vị được cấp bằng công nhận. Chúng vĩnh viễn chọn lựa đường phố, vỉa hè, quán nhậu, nhà thổ, đầu đường góc chợ… làm môi trường sinh tồn, nô giỡn, coi trọng thú lang bạt kỳ hồ, tự do và luôn phá các khuôn khổ, thây mặc mọi cố gắng tuyệt vọng loại bỏ chúng ra khỏi đời sống hoặc bắt chúng phải cõng trên mình một cái ý nghĩa áp đặt nào đó. Vô nghĩa thì đã sao! Miễn là không vô sinh, vô hồn.
Nhưng nếu độc có thế thì những thứ Cụ Trịnh vật vã tạo ra chỉ đáng để mua vui chốc lát, như nghe những câu chuyện bông phèng lúc ngồi trên vỉa hè, trong phòng chờ khám bệnh, trên giường mát-xa hay tại một quán bụi nào đó. Cái đám “chữ đường phố” ngông ngạo giang hồ do Cụ Trịnh gom nhặt và ấp ủ, nuôi nấng qua ngày ấy hóa ra không hề lạnh lùng, vô tình chút nào. Chúng có nguyên tắc tình cảm của riêng mình để chuyển tải một thứ mà ngẫm ra cũng có thể gọi là “đạo”. Cái thứ đạo ấy, nếu diễn giải bằng loại chữ hàn lâm thì nó chính là “niềm vui sống”. Cuộc sống dù có vớ vẩn đến đâu thì cũng rất đáng để ham muốn.
Đọc Cụ Trịnh tức là bước vào cái cuộc sống phố xá hỗn độn, nhơ nhớp, ngập ngụa bụi đời, nhập nhòa sáng tối, vô thưởng vô phạt, vô vàn chuyện lầm lụi dở khóc dở cười… Nhưng cũng vì thế mà thấy đời vui đáo để.
Có mà dở hơi mới không tận hưởng nó – cái cuộc sống ấy – cho đến “vã” (chữ đường phố chính hiệu) chưa thôi.
Hà Nội, tháng 4 – 2014
Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Tuy nhiên tuỳ vào từng loại sản phẩm hoặc phương thức, địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, …